Hiện nay bệnh lao còn phổ biến ở nước ta, mỗi năm có thêm gần 200 nghìn người mắc bệnh lao (trong đó có lao/HIV, lao kháng đa thuốc, siêu kháng thuốc) và khoảng 20 nghìn người chết vì bệnh lao.
Bệnh lao do vi khuẩn lao gây ra, hay gặp nhất là lao phổi, cũng có thể gặp lao ngoài phổi như: hạch, màng phổi, màng não, xương khớp,… Bệnh lao phổi dễ lây lan theo đường không khí.
Những người có nguy cơ mắc bệnh lao cao là:
+ Người tiếp xúc với người mắc bệnh lao phổi chưa được điều trị, đặc biệt là người có HIV, trẻ em dưới 5 tuổi.
Để phát hiện sớm bệnh lao:
Khi có 1 trong các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh lao dưới đây, cần đến ngay trung tâm y tế quận/huyện, bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để khám bệnh, xét nghiệm đờm phát hiện bệnh lao:
- Ho khạc kéo dài trên 2 tuần
- Sốt nhẹ về chiều
- Gầy sút cân
- Hay đổ mồ hôi về ban đêm
- Tức ngực, khó thở hoặc ho ra máu,…
- Trẻ em sống trong gia đình có người mắc bệnh lao phổi.
Để chữa khỏi bệnh lao cần điều trị sớm, theo đúng phác đồ hướng dẫn của Chương trình Chống lao quốc gia là:
- Phối hợp thuốc chống lao.
- Đúng liều
- Đều hàng ngày
- Đủ thời gian
- Đối với người bệnh lao phổi phải xét nghiệm lại đờm (3 lần): sau khi điều trị được 2 tháng, 4 tháng và 6 tháng, để biết mình đã chữa khỏi bệnh lao hay chưa.
Thuốc chữa bệnh lao được cấp miễn phí cho mọi người bệnh tại cơ cơ sở chống lao quận huyện.
Để phòng bệnh lao cần:
- Phát hiện sớm người mắc bệnh lao và chữa cho họ khỏi bệnh.
- Người bệnh lao phổi cần che miệng khi ho, khi hắt hơi, khạc đờm vào mảnh giấy rồi đốt đi.
- Tiêm phòng BCG cho trẻ em theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Giữ gìn sức khoẻ và môi trường, nhà ở cần thông thoáng.
Bệnh lao là bệnh của toàn xã hội, không phải của riêng ai:
Chữa khỏi 1 người bệnh lao là tránh cho 10 người khác không mắc bệnh lao. Bởi vậy, giúp đỡ người bệnh lao chữa khỏi bệnh là bảo vệ bản thân mình và cộng đồng.
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống