​A-ĐÊ-NÔ Virút

Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch để phòng chống một số bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh do vi rút Adeno.

Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Adeno, trong đó tập trung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm như thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi; không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh...

Các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Đồng thời thực hiện nghiêm túc bị việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo; hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh; không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Được biết, số ca nhiễm Adenovirus ghi nhận tại Bệnh viện Nhi T.Ư từ đầu năm đến nay đã lên đến 1.406 bệnh nhi, trong đó có 7 ca tử vong.

1. Đặc điểm của bệnh:
1.1. Định nghĩa ca bệnh:
Bệnh do vi rút a-đê-nô là một bệnh vi rút cấp tính với hội chứng lâm sàng đa dạng, thông thường bị nhiễm vi rút cấp ở đường hô hấp trên với triệu chứng nổi trội là viêm mũi. Trường hợp đặc biệt vi rút gây bệnh ở đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản nhỏ (bronchiolitis) và viêm phổi. Vi rút a-đê-nô có nhiều týp huyết thanh gây bệnh và tùy theo từng týp có thể gây bệnh chủ yếu của cơ quan nào đó trong cơ thể như:
Bệnh sốt viêm họng - kết mạc (febris pharyngoconjunctivitis) thường do týp 3 và týp 7 gây nên với đặc điểm sốt cấp tính ở trẻ em và gây dịch. Có trường hợp sốt viêm họng nhưng không có viêm kết mạc.
Bệnh viêm kết mạc 2 bên (Conjunctivitis bilateralis), phù mi mắt và tổ chức xung quanh hố mắt. Khởi đầu có sốt nhẹ khoảng 3-5 ngày, viêm mũi, viêm họng, sưng hạch 2 bên cổ (adenitis), đau mắt, sợ ánh sáng, mắt mờ. Khoảng 7 ngày sau, có tới 50% bệnh nhân xuất hiện trên giác mạc có những đám thâm nhiễm tròn, nhỏ và cuối cùng có thể tạo thành những đám loét. Bệnh có thể kéo dài đến 2 tuần. Bệnh nặng có thể để lại những vết mờ trên giác mạc làm ảnh hưởng đến thị giác trong vài tuần hoặc đôi khi để lại sẹo vĩnh viễn.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người lớn thường do týp 4, týp 7. Có biểu hiện sốt đến 390C, viêm họng (pharyngitis) với triệu chứng ho, sổ mũi và sưng hạch bạch huyết vùng cổ. Khám thấy sưng phù họng lan toả đến amiđan. Nếu bệnh tiến triển đến viêm phổi thì phải khám phổi và chiếu X quang để phát hiện vùng phổi bị thâm nhiễm.
Bệnh tiêu chảy cấp do vi rút a-đê-nô týp 40 và 41 thường gặp ở tuổi trẻ và bệnh viêm bàng quang xuất huyết do týp 11 và 21 gây nên.
Dịch viêm giác - kết mạc (epidemic keratoconjunctivitis) do týp 8, 9 và 37. Bệnh lan truyền thành dịch có liên quan tới nguồn lây chung là đau mắt và khăn mặt.
- Ca bệnh lâm sàng: Sốt, nhiệt độ có thể đến 390C. Sưng hạch bạch huyết vùng cổ 2 bên (Adenitis). Viêm họng (Pharyngitis). Đau mắt đỏ do viêm kết mạc (Conjunctivitis), phù mi mắt và tổ chức xung quanh hố mắt. Vì thế, bệnh do vi rút a-đê-nô còn gọi là bệnh APC, chữ viết tắt được lấy từ 3 chữ cái đầu của tên la tinh Adenitis, Pharyngitis và Conjunctivitis.
- Ca bệnh xác định.
+ Phân lập vi rút a-đê-nô (+) trong bệnh phẩm  lấy từ bệnh nhân.
+ Phát hiện kháng nguyên vi rút a-đê-nô (+) trong bệnh phẩm bằng kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (direct fluorescent or immunofluorescent antibody test: FA); kỹ thuật kính hiển vi điện tử miễn dịch (immune electron microscopy: IEM), kỹ thuật ELISA.
+ Xét nghiệm huyết thanh (+)
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự. Các bệnh viêm đường hô hấp cấp do tác nhân là các vi rút gây bệnh khác như  rhinoviruses, vài týp coronavirusesinfluenza,parainfluenzarespiratory syncytial viruses, vài chủng enteroviruses và mycoplasma pneumoniae.
1.3. Xét nghiệm:
- Loại mẫu bệnh phẩm.
+ Bệnh phẩm là chất nạo kết mạc, dịch mũi họng, tuyến hạnh nhân, đờm, nước tiểu hoặc phân.
+ Lấy huyết thanh (HT) kép: HT 1 được lấy tuần đầu của bệnh, HT 2 được lấy sau đó 1 - 2 tuần để phát hiện sự tăng hiệu giá kháng thể.       
- Phương pháp xét nghiệm.
+ Phân lập vi rút trên nuôi cấy tế bào. Phát hiện kháng nguyên vi rút a-đê-nô bằng FA, IEM và ELISA.
+ Xét nghiệm huyết thanh bằng phản ứng kết hợp bổ thể, phản ứng trung hoà, phản ứng ức chế ngưng kết hồng cầu. Có thể dùng phản ứng ELISA hoặc kỹ thuật miễn dịch phóng xạ (radioimmunoassay).
 2. Tác nhân gây bệnh:
- Tên tác nhân là adenoviruses thuộc họ Adenoviridae. Adenoviruses người thuộc giốngMastadenovirus có ít nhất 47 týp huyết thanh. Týp 1-5, 7, 14 và 21 vừa gây bệnh viêm họng hạch vừa gây bệnh viêm kết mạc. Týp 40 và 41 thường gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em. Các trường hợp mắc bệnh nặng thường do adenovirus týp 5, 8, 19 gây ra.      
- Hình thái:  Adenoviruses có bộ gen di truyền là ADN chuỗi kép, vỏ capsid đối xứng được sắp xếp thành hình khối 20 mặt bao gồm bề mặt của 20 tam giác đều, 12 đỉnh với kích thước từ 70 - 80 nm.
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: Adenoviruses có sức đề kháng tương đối bền vững. Vi rút có thể tồn tại và còn khả năng gây nhiễm ở 360C trong 7 ngày, 220C trong 14 ngày và 40C trong 70 ngày. Vi rút bị mất độc lực nhanh và chết ở 560C từ 3 đến 5 phút.Adenoviruses được giữ lâu dài trong điều kiện đông khô hoặc đông băng.
3. Đặc điểm dịch tễ học:
Bệnh do vi rút a-đê-nô lưu hành rộng rãi trên toàn thế giới. Ở vùng ôn đới, bệnh xảy ra trong suốt năm, nhưng tần số mắc cao hơn vào mùa xuân. Đã có các vụ dịch sốt viêm họng- kết mạc do vi rút a-đê-nô trong mùa hè liên quan đến bể bơi xảy ra ở nhiều nơi. Dịch viêm kết mạc xuất huyết do a-đê-nô cũng đã xảy ra lần đầu ở Ghana năm 1969 và Indonesia năm 1970. Sau đó, đã có một số vụ dịch xuất hiện ở vùng nhiệt đới Châu Á, Châu Phi, Trung và Nam Mỹ, vùng Caribe, các đảo Thái Bình Dương và một số nơi của Florida và Mexico. Một số vụ dịch nhỏ cũng xảy ra ở châu Âu và những người tị nạn Đông Nam Á ở Hoa Kỳ. 
            Ở Việt Nam, bệnh do vi rút a-đê-nô lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Bệnh thường xảy ra tản phát trong suốt năm, có năm xảy ra dịch và tần số mắc bệnh thường tập trung vào những tháng xuân - hè nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút khác vào mùa xuân hoặc với bệnh sốt dengue vào đầu mùa hè khi bệnh không có thể viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) nổi trội. Số mắc trung bình năm của thời kỳ 1996-2000 ở Việt Nam là 17.486 với tỷ lệ 23/100.000 dân, không có tử vong. Trong số đó miền Bắc mắc 15.945 với tỷ lệ 47,3/100.000 dân; miền Trung mắc 438 với tỷ lệ 4/100.000 dân; miền Nam mắc 932 với tỷ lệ 3,4/100.000 dân và Tây Nguyên mắc 170 với tỷ lệ 6,1/100.000 dân. Những năm xảy ra dịch lớn như năm 1994 với tỷ lệ mắc là 70,5/100.000 dân; năm 1996 với tỷ lệ 35,9/100.000 dân và năm 1999 với tỷ lệ mắc là 30,7/100.000 dân.
4. Nguồn truyền nhiễm:
- Ổ chứa adenoviruses là người. Bệnh nhân là nguồn truyền nhiễm trong suốt thời kỳ mắc bệnh.
- Thời gian ủ bệnh. Khoảng từ 5-12 ngày, trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12 ngày.
- Thời kỳ lây truyền. Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh hoặc có thể lâu hơn khi cơ thể vẫn còn đào thải adenoviruses ra ngoài.
5. Phương thức lây truyền: Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị ô nhiễm dịch tiết từ mắt, mũi hang, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm adenoviruses. Sự lây truyền của bệnh thường xảy ra ở phòng khám bệnh, đặc biệt là ở phòng khám mắt. Các nhân viên y tế dễ bị lây bệnh và từ đó có thể là nguồn lây truyền sang những thành viên khác trong gia đình và những người xung quanh. Bệnh cũng có thể lây truyền qua giọt nước bọt như những hạt khí dung (aerosol) bằng đường hô hấp hoặc lây truyền qua bể bơi bị nhiễm  adenoviruses.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Mọi người ở các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Sau khi bị bệnh sẽ được miễn dịch đặc hiệu týp. Có thể bị mắc bệnh lại là do bị nhiễm týp adenoviruskhác. Đến nay vẫn chưa biết rõ về vai trò và thời gian miễn dịch sau khi mắc bệnh do vi rút a-đê-nô. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra nhiều ở lứa tuổi trẻ và gần 100% số người lớn đã có kháng thể đặc hiệu với nhiều týp adenoviruses. Trong thực tế, thường phân lập được các týpadenoviruses 1, 2, 3 và 5 gây bệnh ở trẻ em và các týp 3, 4, 7, 14, 21 trong các vụ dịch đường hô hấp cấp ở trại lính trong mùa đông xuân.
7. Các biện pháp phòng chống dịch:
7.1. Biện pháp dự phòng:
- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ. Cung cấp cho nhân dân những thông tin cần thiết về bệnh do vi rút a-đê-nô, nhất là khi có nguy cơ bùng nổ dịch và khi có dịch để nhân dân biết tự phòng tránh cho mình và cho cộng đồng.
- Vệ sinh phòng bệnh:
 + Có nguồn nước sạch đủ dùng cho sinh hoạt. Trong mùa mưa, lũ lụt phải thau rửa và khử trùng nước giếng bằng chloramin B.
+ Giữ gìn vệ sinh cá nhân, không dùng chung khăn mặt và thường xuyên giặt khăn bằng xà phòng.
+ Thường xuyên giám sát và kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh nước, vệ sinh môi trường tại các bể bơi công cộng.  
7.2. Biện pháp chống dịch:
- Tổ chức:
+ Thành lập Ban chống dịch do lãnh đạo chính quyền làm trưởng ban, lãnh đạo y tế địa phương làm phó ban thường trực và các thành viên khác có liên quan như: Y tế, Giáo dục, Công an, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ v.v...
+ Các thành viên trong Ban chống dịch được phân công nhiệm vụ để chỉ đạo và huy động cộng đồng thực hiện tốt công tác chống dịch.
+ Đối với vụ dịch nhỏ cần giành một số giường bệnh trong một khu riêng ở khoa lây bệnh viện để cách ly và điều trị bệnh nhân. Nếu có dịch lớn thì có thể thành lập bệnh xá dã chiến trong cộng đồng.
- Chuyên môn:
+ Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Những trường hợp mắc bệnh do vi rút a-đê-nô nhẹ có thể cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ y tế xã. Những trường hợp mắc bệnh nặng, bị bội nhiễm và có biến chứng cần được cách ly và điều trị tại Trạm Y tế xã hoặc Bệnh viện.
+ Tại cơ sở khám chữa bệnh, nếu có bệnh nhân nghi ngờ hoặc khi có dịch adenoviruses thì phải thực hiện triệt để vô khuẩn khi khám bệnh để tránh lây bệnh qua đường hô hấp, kết mạc mắt, mí mắt và phải đảm bảo sát khuẩn bàn tay và dụng cụ khám bệnh để tránh lây lan. Nếu nhân viên y tế bị bệnh phải được cách ly ngay môi trường tiếp xúc với bệnh nhân.
+ Ở những nơi có dịch hoặc nguy cơ có dịch adenoviruses thì nhân dân phải triệt để thực hiện vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh mũi họng, mắt. Phải thường xuyên dùng nước sạch và giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng.
+ Xử lý môi trường. Không được dùng chung các đồ dùng của bệnh nhân, nhất là khăn mặt và các đồ dùng có thể bị nhiễm các chất xuất tiết của bệnh nhân như bát, thìa, cốc, chén, giường chiếu v.v... Phải sát trùng, tẩy uế đồng thời các đồ dùng của bệnh nhân trong giai đoạn mắc bệnh cấp tính và sát trùng, tẩy uế lần cuối khi khỏi bệnh bằng các thuốc sát khuẩn thông thường.
7.3. Nguyên tắc điều trị: Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Dùng thuốc điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng cơ thể và vitamin C liều cao. Có thể dùng thuốc kháng sinh để chống nhiễm khuẩn phối hợp và chống bội nhiễm vi khuẩn.
7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Không có quy định.

Nguồn : cục y tế dự phòng

TRUYỀN THÔNG
Địa chỉ
Diên Điền, Diên Khánh, Khánh Hòa
Điện thoại
Cấp cứu:0258.3776.115 - 0258.246.5081; Chịu trách nhiệm nội dung: BS Lê Thị Minh Nguyệt
E.mail
khthdk@gmail.com; pkhth.ytdk@khanhhoa.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
© 2018 Bản quyền thuộc Trung tâm Y Tế huyện Diên Khánh