CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH BỆNH VIÊM NHIỄM ĐƯỜNG HÔ HẤP KHI GIAO MÙA

Khi trời sang thu, độ ẩm không khí giảm dần, thời tiết se lạnh. Những người khoẻ mạnh có thể cảm thấy dễ chịu vì đã qua thời kỳ nóng bức, ngột ngạt của mùa hè. Nhưng với trẻ em và người già đây là lúc dễ mắc một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như: viêm mũi họng, thanh quản, phế quản, hen phế quản, viêm phổi, hoặc tái phát một số bệnh phổi cũ…

Trẻ nhỏ khi mắc các bệnh này thường có một số biểu hiện:

-  Sốt, chảy nước mũi, ho từng tiếng, hoặc ho thành cơn.

- Thường sốt nhẹ, không thành cơn, đồng thời trẻ quấy khóc, kém ăn, hay nôn, hoặc đi ngoài phân lỏng. Nếu không được chữa trị kịp thời trẻ sẽ ho nhiều hơn, ho thành từng cơn, nước mũi chảy nhiều, thở nhanh hơn bình thường, có thể nghe thấy trẻ thở ậm ạch, hoặc bỏ bú

Người cao tuổi khi bị hen phế quản, viêm phế quản thường ho từng cơn, tức ngực, kèm theo khạc đờm. Nếu bị hen phế quản, bệnh nhân có những cơn ho khó thở, trong cơn bệnh nhân thường phải ngồi tựa lưng cao để thở, tự cảm thấy có tiếng khò khứ, sau mỗi cơn ho thường khạc đờm trong, dính, nhưng khó khạc.

Người bệnh bị viêm phế quản thường khạc đờm dễ hơn, nhưng đờm hay có màu vàng, hoặc xanh và thường không có cơn khó thở. Trái với trẻ em, người già mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp thường không có sốt, hoặc sốt rất nhẹ. Người bệnh bị hen phế quản nặng, hoặc những hen ác tính nếu không được xử trí kịp thời có thể suy hô hấp dẫn tới tử vong.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ thể trẻ em và người cao tuổi không kịp đáp ứng để thích nghi với những thay đổi của thời tiết. Khi trời lạnh, khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể giảm. Mùa khô, nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm, gió mùa làm cho không khí có nhiều bụi, ánh nắng mặt trời ít, đó là những điều kiện thuận lợi để một số mầm bệnh tồn tại và phát triển trong môi trường. 

Để chủ động phòng tránh các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp khi giao mùa, chúng ta cần quan tâm đến việc giữ ấm và nuôi dưỡng cho trẻ em và người cao tuổi.

Khi trời chuyển lạnh, người già và trẻ em cần được giữ ấm, nhất là những trẻ mới sinh, trẻ đẻ non, trẻ suy dinh dưỡng.

-  Khi đi ngủ cần mặc cho trẻ quần dài, không nên cho trẻ mặc áo hở cổ, chuẩn bị những tấm chăn mỏng để đắp ngang người. Quạt điện chỉ nên bật ở số nhỏ, không nên để  gió  thổi vào mặt, nên hẹn giờ để tránh khi ngủ quên dễ bị nhiễm lạnh.

- Lúc ngủ dậy buổi sáng, nếu trời lạnh cần mặc bổ sung  quần áo ấm, quàng khăn, đi giầy dép.

-Trẻ ở lứa tuổi tiểu học, buổi sáng khi đến trường cần mặc thêm cho đủ ấm, khi nào trời nóng  mới cởi ra. Tránh tình trạng các gia đình vì sợ đến trưa trẻ nóng, không có nơi cất quần áo, nên buổi sáng cho trẻ mặc ít, cũng có thể làm cho trẻ bị nhiễm lạnh.

- Người cao tuổi khi vừa ngủ dậy nên tập một số động tác nhẹ nhàng trong nhà, xoa người cho ấm, có thể quàng khăn, mặc áo dài tay trước khi ra khỏi nhà, để tránh bị hắt hơi, chảy nước mũi khi hít phải khí lạnh.

- Trẻ em cần được chơi ở nơi kín gió, không có gió lùa. Không nên để trẻ chơi đùa ở những nơi có nhiều bụi, không tiếp xúc với các loại gia súc, gia cầm. 

- Ở những trường mầm non, khi trời trở lạnh, cô giáo cần nhắc các bậc cha mẹ cho trẻ đi giầy, dép. Hạn chế cho trẻ ngồi, bò trực tiếp trên nền nhà mà không có sàn gỗ. Lưu ý khi bật quạt trong giờ ngủ buổi trưa tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.

- Những trẻ có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi cần nhắc gia đình không nên đưa tới lớp, điều trị khỏi mới tiếp tục gửi trẻ.

Trẻ em và người cao tuổi cần được ăn uống đầy đủ, nhất là những trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ. Thức ăn sau khi chế biến nên cho trẻ ăn ngay, hoặc đun nóng lại trước khi ăn. Thức ăn cần cân đối và đủ chất bổ để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Chủ động cho trẻ uống nước, chứ không chờ khi trẻ khát mới cho uống. Với người cao tuổi còn cần tăng cường vận động cơ thể như: chơi thể thao, tập thể dục, đi bộ, tập dưỡng sinh…

 Khi có những dấu hiệu viêm nhiễm đường hô hấp cần  đến các cơ sở y tế để khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Không nên tự động mua thuốc về điều trị tại nhà. Như vậy rất nguy hiểm vì có thể thuốc dùng không đúng bệnh, không đúng liều, làm cho bệnh không khỏi, kéo dài, hoặc đưa đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, sau này rất khó khăn cho việc chữa trị. Khi đã điều trị cần thực hiện đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Không nên tự động bỏ thuốc, thay thuốc. Người mắc bệnh cần được chăm sóc chu đáo, dinh dưỡng hợp lý để bệnh mau khỏi.

 

Tác giả bài viết: Trung tâm TTGDSK

 

TRUYỀN THÔNG
Địa chỉ
Diên Điền, Diên Khánh, Khánh Hòa
Điện thoại
Cấp cứu:0258.3776.115 - 0258.246.5081; Chịu trách nhiệm nội dung: BS Lê Thị Minh Nguyệt
E.mail
khthdk@gmail.com; pkhth.ytdk@khanhhoa.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
© 2018 Bản quyền thuộc Trung tâm Y Tế huyện Diên Khánh