VỆ SINH THAI NGHÉN

Tình trạng thai nghén là tình trạng sinh lý không ổn định, dễ chuyển sang bệnh lý. Trong khi có thai sức đề kháng của người phụ nữ giảm đi, nên có thể mắc một số bệnh. Bởi vậy, nếu lúc bình thường phải giữ những điều vệ sinh nhất định, thì khi có thai càng cần phải tăng cường vệ sinh hơn nữa.

1.Vấn đề mặc

Quần áo mặc phải rộng rãi, thoáng, tránh bó chặt vào người. Thắt lưng, chun bít tất, nịt vú cần nới rộng.

Về mùa rét phải mặc đủ ấm. Về mùa nực phải mặc mỏng thoáng.

Không đi giầy cao gót, vì có thể ngã, có thể làm tử cung đổ lệch ra trước. Nên đi giầy dép thấp.

Nên mặc nịt vú để nâng cặp vú nặng lên không bị sệ xuống, nhưng phải mặc nịt vú rộng, không bó chặt lấy ngực ngây khó thở.

2. Vấn đề thể dục thể thao

Tránh tập các môn thể thao mạnh, phải dùng nhiều sức lực, làm người mẹ phải cố gắng nhiều về thể lực, gây khó thở.

Nên tập thể dục buổi sáng với những động tác nhẹ nhàng và tập hít thở sâu. Nếu không có thói quen tập thì nên đi dạo buổi sáng 5-10 phút. Nên tắm nắng buổi sáng.

3. Vấn đề đi xa

Nên tránh đi xa bằng ôtô, mô tô, xe đạp trong ba tháng đầu của thời kỳ thai nghén. Thời kỳ này dễ bị sẩy thai.

Từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 7, có thể đi lại bằng xe lửa, ô tô, máy bay. Hạn chế đi xa từ tháng thứ 8.

4. Vệ sinh thân thể

Cần chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể. Hàng ngày nên tắm bằng nước sạch. Mùa rét cần tắm bằng nước ấm, tránh tắm nước lạnh có thể bị cảm, gây sản giật. Không nên tắm quá lâu và càng không nên ngâm mình trong nước (nước ở bồn tắm, tắm sông, ao hồ..). Tốt nhất nên tắm bằng cách dội nước.

Sau khi đi tiểu, đi ngoài, cần lau rửa sạch âm hộ, hậu môn. Hàng ngày cũng cần rửa bộ phận sinh dục bằng nước sạch và xà phòng, lau khô, thay quần lót thường xuyên.

Chú ý chăm nom hai bầu vú trong khi có thai bằng cách lau rửa sạch hai núm vú cho hết vảy ghét, xoa cho hai vú mềm ra. Sau khi lau khô hai núm vú, có thể xoa thêm glyxerin hoặc thuốc mỡ có sinh tố.

5. Vấn đề giao hợp

Trong khi có thai phải giao hợp điều độ, nhẹ nhàng. Nên kiêng hẳn trong hai tháng cuối.

6. Chế độ lao động

Khi có thai vẫn có lao động bình thường, tránh các lao động nặng nhọc như khuân vác, gánh, đội nặng. Cần có chế độ nghỉ ngơi, đặc biệt đối với những người có cơn co liên tục hay đã có lần sảy, đẻ non. Nên nghỉ công tác một tháng trước ngày dự kiến để nâng cao sức khoẻ và tăng cân cho cả mẹ và con.

7. Chế độ ăn uống

Trong khi có thai, người phụ nữ phải ăn cho bản thân và cho đứa trẻ. Nếu được nuôi dưỡng kém mẹ dễ mắc bệnh, con có thể bị non tháng, nhẹ cân, sau đẻ mẹ thường thiếu sữa cho con bú.

Vì vậy trong khi có thai người mẹ phải ăn nhiều thức ăn hơn chất lượng thức ăn phải đảm bảo. Thức ăn phải có thịt, cá, tôm, sữa, trứng, đậu lạc, vừng, dầu ăn, nhiều rau và hoa quả tươi. Hạn chế uống rượu bia, cà phê, không hút thuốc lá.

 

Dương Thị Cương

 

TRUYỀN THÔNG
Địa chỉ
Diên Điền, Diên Khánh, Khánh Hòa
Điện thoại
Cấp cứu:0258.3776.115 - 0258.246.5081; Chịu trách nhiệm nội dung: BS Lê Thị Minh Nguyệt
E.mail
khthdk@gmail.com; pkhth.ytdk@khanhhoa.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
© 2018 Bản quyền thuộc Trung tâm Y Tế huyện Diên Khánh